'Ăn để nhớ': Món quê miền Trung

‘Ăn để nhớ’: Món quê miền Trung

‘Ăn để nhớ’: Món quê miền Trung ✅

Trong quyển “Ăn để nhớ”, Kim Em viết về món cá chuồn chiên củ nén, canh mít non nấu tôm với lá lốt thơm nức mũi của miền Trung.

Tản văn gồm hơn 200 mẩu truyện, dựa trên chuyện có thật của tác giả ở Hội An, Quảng Nam. Nhờ ẩm thực quê hương, chị tìm lại được những ký ức bên gia đình và một thời tuổi trẻ.

Món quê miền Trung

Tác phẩm “Ăn để nhớ” gồm hai phần “Miếng Ngon” và “Miền Nhớ”. NXB Trẻ xuất bản sách nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: NXB Trẻ.

Món quê miền Trung

Như câu “Hội An trăm vật trăm ngon/ Từ từ cái miệng để chồng con được nhờ”, nhà văn nói về nhiều món đặc sản quê hương như cao lầu, bánh xèo, tam hữu…Trong phần một Miếng Ngon, tô mì Quảng được kể hấp dẫn: đầy ắp rau quê như cải con, bắp chuối sứ, xanh, điểm bên trên là tôm, cua, vài con tôm. Tác giả giới thiệu còn món ăn chơi của bọn trẻ miền Trung – xu xoa – thạch làm từ sợi rong câu, ăn kèm nước đường nâu, thơm mùi gừng. Chị ngắm nghía lát thạch trong xếp chồng như những miếng ngọc thạch óng ánh, chưa vội ăn vì sợ “cái hè tan biến vào lưỡi”. Ở truyện Bánh tráng sắn, độc giả học cách làm bánh tráng ngon như thay nước liên tục đến khi nước ngâm bột trong veo, sau đó trộn bột thật đều để bánh dẻo.

Mỗi ngày mưa chợt nhớ hình ảnh má đứng trong bếp làm bắp rang. Không phải bắp rang bơ ở phố thị, miền Trung trứ danh cái nước mắm cái, trộn ớt bột – tưới lên mẻ bắp trên chảo, khiến hương thơm ngào ngạt bốc lên. Bắp nở đều giòn rụm, thấm vị mặn, làm lũ trẻ con ăn hết sạch, nhưng “miệng đứa nào đứa nấy vẫn thòm thèm”.

Kim Em chủ yếu viết về những năm đầu đời của chị. Sống khó khăn, thiếu thốn trong những năm 1960, chị học cách tận hưởng từng niềm vui nhỏ như một cái kẹo ú, bánh ú tro mùng năm, chén xu xoa…Năm cấp ba, như bao đứa học trò, chị mê rổ sắn, rổ khoai, ổi, cóc dầm bán ở cổng trường. Khi đã lập nghiệp, xa quê, mỗi lần ăn mì Quảng, tác giả nhớ ngay con sông Thu Bồn. Lúc bé, chị ngồi trên phản gỗ bên nhà, ngấu nghiến tô mì, nghe tiếng gà, trong cơn gió mát lành thổi từ sông. Trong truyện Hũ dưa muối, khi gặp lại hũ sành xưa, Kim Em trở về những ngày thơ dại, thấy bóng mẹ loay hoay ngoài hiên muối dưa để dành cho những ngày sau. Miền nhớ của người con xa quê còn “tạm trú” trong các truyện Đôi quang gánh của má, Cái giếng cũ nhà ngoại, Chợ Tết ở quê tấp nập.

Món quê miền Trung

Đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn là tinh thần chính của tập tản văn. Chị viết: “Ai đi xa cũng muốn trở về nhà để được ăn cơm cùng mẹ. Thì ra, ta nhớ cái không khí ấm cúng của những bữa cơm sum họp, nhớ mùi thức ăn mẹ nấu mỗi trưa, mỗi chiều”. Không chỉ nhớ vị cơm, tác giả nhớ cả lời càm ràm của mẹ, kể chuyện nuôi gà, trồng đậu.

Tác giả dùng ngôn ngữ bình dị, như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Người đọc bất ngờ với lối viết dí dỏm khi tả về cô bán hàng: “Có lúc nào dì nhớ cái con bé hay đợi mỗi trưa hè, để coi dì múa dao trên chén xu xoa”. Người viết nhập vai trẻ con, kể chuyện người lớn hứa: “ngủ đi rồi chặp dậy má cho tiền ăn xu xoa”

Kim Em là nhà báo, sinh ra tại một ngôi làng bên dòng sông Hoài (chi nhánh của sông Thu Bồn, kế bên phố cổ Hội An). Chị cho biết sống khó khăn lúc trẻ, song nghe lời ba – “đói cho sạch, rách cho thơm”, cố gắng làm việc. Ra sách Ăn để nhớ là cách chị tri ân quê hương miền Trung.

 

Bài viết: Người truyền cảm hứng